KIÊN DÃ TRÀNG – ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ HỒI SINH CỒN ĐEN

 

Có được Cồn Đen ngày hôm nay, người dân nơi đây thường nhắc về một con người nhưng có nhiều tên gọi khác nhau: “Kiên dã tràng”, “Người giữ lại cồn Đen” hay “Người hồi sinh cồn Đen” nhưng cái tên hiện nay nhiều người dân trìu mến khi nói về ông – đó là “Trung Kiên cồn Đen”.

Cồn Đen, nằm cách đất liền 3 km, thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình – một trong những cồn biển được du khách đánh giá là đẹp nhất miền Bắc. Đây chính là bức tường xanh che chở cho người dân các xã ven biển Thái Thụy mỗi khi bão về; bảo vệ hệ sinh thái với hàng trăm loài động thực vật thủy sinh độc đáo của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

Câu chuyện chinh phục cồn Đen của ông Kiên bắt đầu từ 10 năm về trước, thời điểm ông vừa rời quân ngũ sau 25 năm phục vụ trong quân đội. Khi ấy, cồn Đen đang đối mặt với nguy cơ xóa sổ bởi sự  bị bào mòn và xâm thực dữ dội của sóng, của gió và cả sự thờ ơ của con người.

Qua nhiều năm trăn trở, thăm dò, tính toán, năm 2005, ông bắt tay xây dựng dự án khôi phục cồn Đen. Lúc đầu, chẳng mấy ai, kể cả gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương có niềm tin vào dự án mà ông đề xuất. Bởi với những dự án như thế này phải được Nhà nước đứng ra xây dựng, một cá nhân thực hiện thì mạo hiểm quá và tiền đâu để đổ vào đây.

Nhưng bị thuyết phục bởi quyết tâm và những tính toán kỹ lưỡng của ông, năm 2006, dự án đã được phê duyệt.

Ngay thời điểm đó, ông đã huy động 100 người con của làng biển Thái Đô bắt tay thực hiện khôi phục cồn Đen với vô vàn khó khăn đang chờ ở phía trước. Ông cho biết: Đêm mình đưa ra 100 nam giới. Lo chỗ nằm, nghỉ ngơi cho anh em xong, chỉ được 1 ngày, chỗ ăn nghỉ đã bị sóng biển đánh trôi, kể cả quần áo, lương thực, giày dép. Bởi vì mới đầu ra đây nó chỉ là một cái  bãi cát mênh mông… Chỉ còn 217 cây phi lao. Đầu tiên để giữ được chỗ nằm cho anh em, phải xây kè chắn sóng.  Mất 8 tháng xây kè liên tục mới xây được cái sàn nhà cho anh em nằm. Cùng với xây kè là trồng cây giữ đất.

Ông Nguyễn Thế Hùng, một đồng đội cũ của ông Kiên, người được chứng kiến những bước khởi đầu đầy táo bạo và gian nan của ông Kiên cũng không thể tưởng tượng được bạn mình lại vượt qua được những thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên đến như vậy.

Ông Hùng nhận xét: Lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng, nhiều người cũng về xin đầu tư nhưng chưa làm đã bỏ. Việc anh Kiên làm  rất khó khăn. Hồi đó chính tôi là người kiểm đếm chỉ còn hơn 200 gốc phi lao. Hàng ngày ra đây làm rất cực khổ, lán, thức ăn, quần áo nhiều khi bị gió, sóng cuốn đi hết. Vậy mà anh ấy đã thành công, thực sự đây là con người có ý chí sắt đá, hiếm có người như  anh ấy.

Trong những ngày cùng anh em vật lộn với sóng to, gió cả giữa một bãi cát mênh mông, ông Kiên đã hình thành ý tưởng phải quai  đê, lấn biển, kiềm chế những cơn cuồng phong, giận dữ của biển khơi để bảo vệ những mầm xanh mới trồng. Nghĩ là làm. Bao nhiêu vốn liếng, của cải tích cóp được từ Công ty chế biển thủy sản của gia đình, ông đổ  hết vào việc mua đá, xây kè. Ông cho biết, thời đó chưa có đường ô tô ra cồn Đen. Việc vận chuyển một khối đá ra đến biển có giá thành gấp tới 10 lần một khối đá trong đất liền. Bởi phải thuê nhân công bốc đá lên thuyền, hoặc kéo bằng xe tay. Vì vậy, với ông,  mỗi viên đá ở đây có ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Không chỉ khó khăn trong khâu vận chuyển đá ra biển; những viên đá đầu tiên đặt xuống biển đúng là công “dã tràng “. Có khi cả một khối đá lớn, sau một đêm đã bị sóng cuốn trôi ra biển. Nguồn vốn của gia đình dần cạn kiệt.  Hơn 2km đê kè đang thi công còn ngổn ngang, khiến lòng ông như lửa đốt. Không thể buông xuôi, bỏ dở ý tưởng, một lần nữa nghị lực, ý chí của người lính đã giúp ông vượt qua những thời điểm khó khăn. Tranh thủ những lúc biển lặng, quá trình quai đê, lấn biển, xây dựng đê kè đã tạm ổn. Nhưng nhìn những người lao động, mỗi khi ra biển phải đi bằng xuồng. Nước xuống, xuồng không đi được anh em lại phải lội qua sình lầy, mất rất nhiều thời gian, có khi còn đe dọa đến tính mạng, khiến ý tưởng xây cầu nối đất liền ra cồn Đen lại thôi thúc ông. Nhưng đây là khu vực rừng ngập mặn thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận nên không thể xây một cây cầu bằng bê tông cốt thép. Khi mới bắt tay làm cầu, bước xuống là bùn thụt, không cắm nổi cọc. Mất 1 tuần loay hoay. Sau đó phải dùng mảng xốp đứng lên trên mới đóng được cọc, từng nhịp, từng nhịp một. Liên tục như thế trong vòng 5 tháng cây cầu đã hình thành  trong niềm vui ngỡ ngàng của ông và những người dân khi đi qua cây cầu. Ông Vũ Văn Thắng đến từ huyện Vũ Thư  cho biết: Tôi nghĩ là cầu tre chỉ bắc được mấy chục mét, không ngờ được mấy trăm mét thế này. Đầu tiên tôi nghĩ là đi nó ọp ẹp, run rẩy bởi vì nó dài như thế,  nhưng xuống đây, có khi tôi đi xe máy được. Tôi rất ngạc nhiên và thán phục, cảm phục người bắc được cây cầu này.

Ảnh: Cây cầu tre xuyên rừng ngập mặn Cồn Đen nhìn từ trên cao

Những ý tưởng, hoài bão của ông Kiên mà nhiều người cho là hão huyền, hoang tưởng giờ đây dần trở thành hiện thực. Một cồn Đen đẹp như trong giấc mơ thuở thiếu thời đã hồi sinh. Một cồn Đen mà ông ví von như một người con gái đẹp đang ngủ quên đã được ông đánh thức. Hơn 2,5km kè đá được xây dựng bằng sự tâm huyết, quyết tâm, bằng sức lực của những người con miền biển đã làm cho những con sóng nơi đây trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết. Từng đàn chim từ nơi xa đã bay về làm tổ. Nguồn lợi hải sản trở nên phong phú. Điều này, chỉ có những người mưu sinh từ biển như ông Phạm Văn Khuyến ở xã Thái Thượng mới cảm nhận được hết giá trị của cồn Đen khi được hồi sinh: “Thời điểm chưa có đê, kè chắn sóng thì biển nó cứ lấn dần vào trong cồn. Nhưng sau khi anh Kiên, Công ty Minh Phú ra đắp con đường này thì rừng vẹt đã  tốt lên; rừng vẹt tốt lên thì các con hải sản như tôm, cua, cáy cũng nhiều lên. Đêm đến, các cháu đi soi cáy cũng kiếm được vài ba trăm nghìn. Chúng tôi  đi biển bắt con nhệch đây cũng có ngày kiếm được vài ba cân, được năm, sáu trăm nghìn. Ngày xưa chúng tôi đi biển chủ yếu về đong gạo, nhưng bây giờ đi bòn biển cũng không phải lo đến vấn đề gạo nữa –  mà đồng tiền ấy để mua xe, làm nhà”.