Cồn Đen (Thái Bình): Vết sẹo hằn sâu sau bão số 3

Sau cơn bão số 3 nhiều địa phương của tỉnh Thái Bình vẫn còn tàn dư hậu quả do thiên tai gây ra, trong đó có khu du lịch sinh thái Cồn Đen ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Cây cối gãy đổ trơ màu đất, nhà cửa sập đổ chưa khôi phục lại được, cơ sở sản xuất trống trải… cảnh hoang tàn như vết sẹo hằn sâu sau bão.

Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên từng được UBND tỉnh Thái Bình tặng bằng khen, thành tích đóng góp xuất sắc cho sự hình thành và phát triển của Khu du lịch sinh thái Cồn Đen.

Được biết đến là một cồn cát xa bờ, cồn cát nhô lên trong lớp sóng bạc, một vệt đen giữa mênh mông biển nước thì gọi là Cồn Đen. Thời sơ khai Cồn Đen vắng dấu chân người, vì không có nguồn sinh thủy, cỏ dại còn không mọc được. Thời phong kiến, cha ông ta đã từng khai khẩn Cồn Đen nhưng không thành. Thập kỷ 90, giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, Thái Bình quai đê lấn biển đã đắp một đường đê Xuân Hải – Thái Thụy để chắn sóng. Nhưng đê vừa đắp xong thì sóng biển xóa đi bằng phẳng. Không những thế còn để lại nỗi oan khiến nhiều cán bộ chủ chốt của Thái Bình khi đó bị kỷ luật. Có người còn bị kết án vì dùng ngân sách đắp đê không có hiệu quả. Phế tích, chỉ còn Cồn Đen xa bờ, vạt phi lao 217 cây còi cọc trên cát hoang sơ.

Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên từng 2 bàn tay trắng xây dựng lên Cồn Đen trù mật, thế nhưng sau cơn bão số 3 vừa qua, tất cả lại về con số “0”. Để sớm khắc phục hậu quả sau bão, ổn định sản xuất Cồn Đen mong nhận được sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Năm 2002, cựu chiến binh Vũ Trung Kiên có thâm niên trên 30 năm tuổi quân xuất ngũ về làng biển này; ông đã nảy ra chí lớn: Xây dựng lại Cồn Đen thành một cơ sở nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo đó, cựu chiến binh Vũ Trung Kiên thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phú (Công ty Minh Phú), theo Quyết định số 1735/UBND-NN ngày 24/10/ 2006 của UBND tỉnh Thái Bình, về chủ trương tỉnh đồng ý cấp 170ha đất tại xã Thái Đô cho Công ty để thực hiện dự án đầu tư sản xuất ngao giống và nuôi ngao thương phẩm gồm diện tích đất khu vực Cồn Đen là 70ha, diện tích bãi triều là 100ha. Khu vực trại giống 16,4ha, trong đó có 8,9ha đất được sử dụng vào mục xây dựng trại giống, 7,5ha rừng ngập mặn.

Trước đó, năm 2002-2005, Công ty Minh Phú có văn bản cam kết tự huy động vốn của các thành viên, cá nhân, không dùng dự án để vay tiền Nhà nước, mọi thất bại rủi ro nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm, không để ảnh hưởng đến địa phương.

Năm 2019, tỉnh Thái Bình công bố quyết định Khu du lịch sinh thái Cồn Đen là khu du lịch cấp tỉnh.

Việc đầu tiên khi xây dựng Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, Công ty Minh Phú đã mở đường ra đảo, khi đắp đường gian truân, nhiều phen bị thất bại, đất đá chở bằng thuyền qua sông Hau đổ xuống đáy nước công phu mới nhú lên mặt nước, vừa thành hình bờ thửa đã không may gặp bão biển san phẳng. Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên không nhụt ý chí, quyết theo cụ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ quay đê, vượt thổ.

Ở Khu du lịch sinh thái Cồn Đen mỗi công trình xây dựng là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật.

Người thi gan với trời, ròng rã gần 10 năm đổ công của xuống sông xuống biển, khi cao điểm thuê đến 500 người gồng ngành, cuốc xẻng, thuyền bè, lao động thủ công đắp đường ra đảo. “Có chí thì nên” một con đường trước là nhỏ, sau là to rộng, dần dà đổ bê tông kiên cố nối đảo với đất liền. Theo đó, một con đê chắn sóng thân đê cao 5m, mặt đê rộng 10m, dài 3km bảo vệ vành ngoài và hệ thống đê bao bốn mặt cồn dài 10km, nâng cao mặt bằng Cồn Đen cao 3m, cùng hệ thống điện lưới quốc gia, nước sạch nông thôn, trồng cây phủ xanh Cồn Đen. Kéo được nước ngọt ra đảo thì cây cối tốt tươi, hoa nở, chim chóc gọi bầy về làm tổ, Cồn Đen trù mật từ đấy.

Năm 2017, Cồn Đen hình thành một cụm du lịch dạng kết hợp sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái theo chủ trương khuyến khích du lịch nhân dân, phát triển kinh tế dưới tán rừng của Đảng nhà nước. Cơ sở dịch vụ gồm: 1 khách sạn 2 tầng với 32 phòng nghỉ; 2 nhà hàng ăn uống giải khát; 2 bể tắm nước ngọt, lầu nghinh phong, vọng cảnh; thảm rừng trồng xen canh cây ăn quả mùa nào thức ấy kinh tế và đẹp mắt. 10 năm khi dự án thành công, UBND tỉnh tin tưởng vào sự đầu tư của doanh nghiệp, còn doanh hiệp hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương, đường lối đúng đắn của tỉnh Thái Bình.

Ngày 29/6/2019, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 1548/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương Dự án đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản, nuôi trồng ngao thương phẩm và xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Đen. Giao cho Công ty Minh Phú làm chủ đầu tư với diện tích dự kiến 170ha, trong đó diện tích nuôi ngao thương phẩm 105ha, khu du lịch sinh thái kết hợp khu nuôi giống thủy sản 65ha. Cồn Đen một điểm du lịch chân quê hấp dẫn, điểm nhấn của ngành Du lịch Thái Bình.

Cồn Đen điểm nhấn du lịch sinh thái biển của Thái Bình.

Ngờ đâu bão số 3 ập đến, gió giật mạnh, toàn bộ Cồn Đen bị bỗng chốc trở nên tan hoang, hậu quả sau bão vô cùng nặng nề. Cụ thể: 10 nhà diện tích xây dựng 437m2 quy cách nhà nghỉ dưỡng Bungalor, 7 nhà khung diện tích 135m2 mái lá cọ, 7 lầu nghinh phong – vọng cảnh bị tốc mái sập đổ; Hệ thống nhà kho, nhà hàng khách sạn bị tốc mái, bay cửa, vỡ kính; sạt lở 200m đê kè phía Bắc Cồn Đen, 150m dậu bê tông, dậu sắt đúc bị sập đổ, 12 chòi canh ngao cùng nhiều cầu cống, cánh cổng ra vào cơ sở sản xuất sân vườn; nội thất bên trong với 16 máy điều hòa nhiệt độ, vật dụng phục vụ sản xuất và đời sống phần theo gió bay đi, phần nát vụn. Rừng phi lao 90% cây trồng thâm niên đã mấy chục năm và 80% cây ăn quả, cây xanh bóng mát bị bật gốc, bị gãy đổ xơ xác, tiêu điều.

Hệ thống đường điện lưới nội bộ, thiết bị điện nhẹ viễn thông 100% bị đứt dây, gãy cột mất điện lưới, mất liên lạc điện thoại; Trung tâm sản xuất giống thủy hải sản, cửa kính chắn gió bị bão phá hủy; các hồ nuôi ngao giống, cùng trên 100ha bãi triều nuôi ngao thương phẩm đã 2 năm tuổi chưa kịp thu hoạch. Mưa bão cuốn rác rưởi lá cây đến gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường; lại úng nước mưa mất vị mặn của biển khiến cho ngao giống ngã nước chết, ngao thương phẩm cũng đổ bệnh chết; 6 hồ nuôi tôm vì mất điện thiếu sục khí, mấy chục tấn tôm sắp đến kỳ thu hoạch phơi bụng trên mặt nước… tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Thành quả lao động trên 20 năm xây dựng cơ ngơi, sau cơn bão số 3 như nước lã ra sông. Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên một lần nữa rơi vào cảnh bi đát trắng tay; giống vốn, cơ sở sản xuất bị bão số 3 cướp đi, tiền đầu tư bằng nhà cửa cầm cố ngân hàng, “số đỏ” như ảo ảnh nổi chìm trong lớp sóng biển tàn nhẫn.

Cồn Đen thảm xanh, vành đai Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Quốc gia tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên bảo mình sẽ cố vực lại, động viên người lao động chung tay dọn dẹp vệ sinh xuyên đêm, khôi phục lại cơ sở sản xuất, sớm lấy lại hình ảnh một khu du lịch sinh thái ven biển hấp dẫn, thu hút du khách xa gần. Mới đây Chính phủ, Bộ Xây dựng đã kiểm tra các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, có nhiều chỉ đạo (Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3; Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024 của Bộ Xây dựng chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 3); UBND tỉnh Thái Bình và UBND huyện Thái Thụy cũng đã quan tâm có những chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3.

Cồn Đen được lãnh đạo huyện Thái Thụy, lãnh đạo tỉnh Thái Bình quan tâm khi địa phương chuyển nền kinh tế hướng ra biển, phát triển công nghiệp, dịch vụ, khai thác trụ cột kinh tế biển. Cồn Đen lại nằm trong vành đai khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Quốc gia, tin tưởng rằng tỉnh Thái Bình sẽ có chính sách hỗ trợ Cồn Đen tái thiết sau bão, xóa đi “vết sẹo” cơn bão số 3 để lại; cùng với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp Cồn Đen lấy lại phong độ niềm tự hào điểm nhấn du lịch của Thái Bình.

Nguồn: Báo xây dựng – Vũ Phong Cầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *